Hà Nội quá tải việc cấp mã QR cho xe vào luồng xanh

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nhận trên 33.000 hồ sơ xe hàng hóa xin vào luồng xanh từ 24 đến 27/7, tuy nhiên mới chỉ duyệt được 16% số hồ sơ này.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay trong hơn 33.000 hồ sơ xe hàng hóa xin vào luồng xanh trong 3 ngày qua, cơ quan này đã duyệt được 5.400, từ chối khoảng 19.100, còn 8.000 hồ sơ chờ duyệt.

Trung bình mỗi ngày cơ quan này nhận được 10.000 hồ sơ, trong khi chỉ có hơn 10 cán bộ thẩm định, nên bị ách tắc trong khâu xử lý. “Mấy ngày qua, nhiều cán bộ phải làm việc đến 2-3h sáng để duyệt hồ sơ”, vị này nói và cho hay nhiều hồ sơ bị từ chối do khai không đúng lộ trình đường, hồ sơ không đầy đủ theo mẫu, đơn vị vận tải không ký, đóng dấu vào đơn…

Ngoài ra, nhiều mặt hàng không liên quan đến hàng hóa thiết yếu theo quy định của Bộ Công thương khiến các cán bộ duyệt hồ sơ “băn khoăn”.

Trước tình trạng trên, ông Đỗ Công Thủy, Phó vụ trưởng Vụ vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), nói Tổng cục đã yêu cầu 11 Sở Giao thông Vận tải các tỉnh phía Bắc tham gia duyệt hồ sơ phân tải cho Hà Nội.

“Một lý do khác là hệ thống cấp mã QR treo vào ngày 26/7 do bị tấn công mạng, khiến hồ sơ ùn tắc, tuy nhiên đến hôm nay đã được giải quyết”, ông Thủy nói.

Một lái xe giờ giấy nhận diện cho cảnh sát giao thông kiểm tra. Ảnh: Ngọc Thành.

Một lái xe giờ giấy nhận diện có mã QR cho lực lượng chức năng kiểm tra ở chốt kiểm soát phía Nam Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hưng, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở Hà Nội, phản ánh ba ngày qua ông chưa nhận hồi âm việc cấp giấy nhận diện mã QR cho những xe hàng đến Hải Phòng và ngược lại. Đơn vị này ký hợp đồng chở lô hàng ôtô nhập khẩu đã cập cảng, song chưa thể đưa hàng về Hà Nội vì xe không có giấy nhận diện. Từ khi Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 16, các xe chở hàng phải được cấp phép vào luồng xanh mới được lưu thông.

Ông Hưng cho biết, ông đăng ký trên hệ thống của Tổng cục Đường bộ cho nhiều loại xe chở hàng song chỉ các xe chở thực phẩm, lương thực được cấp phép ngay, còn các hàng hóa khác thì 3-4 ngày chưa có phản hồi. Không chỉ doanh nghiệp ông, nhiều đơn vị khác cũng như vậy.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, nói ông liên tục nhận được ý kiến của các doanh nghiệp về tình trạng không nhận được giấy phép mã QR vào luồng xanh trên địa bàn Hà Nội, hoặc doanh nghiệp được cấp ít hơn nhiều số xe đã đăng ký, “nhiều đơn vị chỉ được cấp phép 30% đến 50% số xe”.

Theo ông, có nhiều nguyên nhân khiến hệ thống cấp mã QR quá tải, như: Mỗi xe đăng ký theo một hồ sơ mà không đăng ký theo doanh nghiệp; nhiều chủ xe là hộ gia đình, không thông thạo và kê khai không đúng mẫu nên hồ sơ bị từ chối và phải khai lại.

Ngoài ra, nhiều đơn vị đăng ký xe chở thức ăn chăn nuôi, một số loại hàng nhập khẩu…, hiện không được hiểu là hàng thiết yếu nên bị chậm giải quyết. Với xe chở hàng hóa từ vùng dịch đến nơi khác, có tỉnh cho đi lại bình thường, có tỉnh yêu cầu phải là hàng hóa thiết yếu mới được cấp giấy QR.

“Nên có quy định tất cả xe chở hàng hóa đều được lưu thông vào khu vực giãn cách xã hội, vì mọi mặt hàng đều có nhu cầu lưu thông chính đáng, đóng góp vào nền kinh tế. Mặt hàng này tuy không thiết yếu với ngành này song rất quan trọng với ngành khác”, ông Quyền nói.

Xe không có giấy nhận diện sẽ phải quay đầu tại các chốt kiểm dịch vào Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành.

Xe không có giấy nhận diện sẽ phải quay đầu tại các chốt kiểm dịch vào Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành.

Trước tình trạng quá tải việc cấp mã QR, sáng 27/7, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các tỉnh thành tạo điều kiện cho các xe chở hàng hóa trong thời điểm cơ quan nhà nước chưa kịp cấp giấy nhận diện vào luồng xanh.

Theo đó, các phương tiện vận tải hàng hoá thiết yếu, vận chuyển công nhân, chuyên gia của doanh nghiệp chưa được cấp kịp thời giấy nhận diện phương tiện, nhưng tài xế đã có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính còn giá trị (trong vòng 72 giờ) thì lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát cho xe lưu thông.

Hiện nay doanh nghiệp vận tải có nhu cầu vào luồng xanh đăng ký tại địa chỉ luongxanh.drvn.gov.vn; sau đó các Sở Giao thông Vận tải địa phương tiếp nhận thông tin và giải quyết, trả kết quả đến email của đơn vị đăng ký.

Doanh nghiệp tự in thẻ nhận diện phương tiện kèm theo mã QR lên giấy (khổ A5) để dán trên kính phía trước, và in lên giấy (khổ A4) để dán thêm lên kính hai bên cửa xe giúp lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát nhận biết.

Phương tiện được đăng ký vào luồng xanh là xe chở hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, vận chuyển thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19, ga, xăng dầu; chở hàng cứu trợ.

Nguồn vnexpress.net